10. Họ Đoàn Làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội

Cổng làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội – Ảnh nguồn Internet

Họ Đoàn làng Kiều Thị là một dòng họ lớn đã có 19 đời. Cụ tổ là Đoàn Phúc Lộc (là thuỷ tổ dòng họ). Dựa theo hai sắc phong tước của cụ tổ đời thứ 9 Đoàn Công Đăng tự Phúc Hoành niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1741) và niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1743) tính ngược lên 8 đời thì cụ tổ đời thứ nhất sinh vào khoảng những năm đầu thế kỷ 16. Như vậy, họ Đoàn làng Kiều Thị có lịch sử tồn tại và phát triển khoảng 500 năm. Cụ Đoàn Hữu Thúc con cụ Đoàn Phúc Lộc có công hộ quốc yên dân, dược vua hạ chiếu phong tước Quận công và dân làng xứ Cầu tôn Hiển linh Thành Hoàng. Hiện còn lưu giữ được cuốn gia phả chữ Nho đề ngày 11 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12 (1900) đã dịch sang chữ quốc ngữ. Họ có khoảng trên 1000 hộ, có trên 2000 suất đinh ở rải rác nhiều nơi trong cả nước. Có nhà thờ Tổ dòng họ gồm 3 gian, 2 dĩ và bái đường, có người trông nom hương đăng sớm tối. Là một dòng họ có truyền thống nền nếp trong việc thờ cúng, quy tụ mồ mả tổ tiên. Ngày giỗ thuỷ tổ hàng năm, đại diện con cháu khắp nơi đều hội tụ và dâng hương kính bái, ôn lại những trang sử vẻ vang của dòng tộc.

Đời thứ 5 của họ có cụ Đoàn Đức Chính là chắt của cụ Đoàn Hữu Thúc, là chút nam độc nhất của cụ Phúc Lộc, do loạn lạc đã vượt sông Hồng sang cư trú tại nhà cụ Đỗ Phúc Liêm ở làng Bối Khê nay thuộc xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cụ Đức Chính lấy con gái cụ Đỗ Phúc Liêm sinh hạ 4 người con trai là: Đoàn Phúc Tuyên, Đoàn Phúc Diên, Đoàn Phúc Mẫn, Đoàn Phúc Thành.

Hết loạn lạc, cụ Đức Chính cùng con trưởng Tuyên và con út Thành trở về quê cũ Kiều Thị. Vì con cụ Đỗ Phúc Liêm là Đỗ Phúc Vinh không có con trai nên xin hai cháu là con bà chị làm con nuôi: Đoàn Phúc Diên và Đoàn Phúc Mẫn ở lại quê mẹ và đổi sang họ Đỗ, tên đệm là Tràng (nghĩa là trường tồn), tơr thành thuỷ tổ họ Đỗ Tràng ở Bối Khê (thuộc ngành dưới họ Đoàn làng Kiều Thị). Năm 2004 có câu chuyện 9 họ ở Bối Khê nhất loạt xin chính quyền đổi họ sang họ gốc của mình trong đó có họ Đỗ Tràng (hơn 300 nhân khẩu) xin đổi sang họ gốc là họ Đoàn và được chính quyền chấp nhận.

Họ Đoàn làng Kiều Thị nổi danh có thái y viên Đoàn Văn Đăng tự Phúc Hoành là con trưởng cụ Đoàn Phúc Cảnh. Ông là một thầy thuốc giỏi dưới triều Lê nên hai lần được đặc phong Lương y chính thức “Nam tước Tiến công thứ lang” rồi tước “Nghi Trung Bá” được quyền tham chi quân vụ với công trạng: chữa khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo và bào chế thành công những loại thuốc đặc hiệu có giá trị, xứng đáng phẩm hàm “Thái y viện Biện Nghiệm”.

Trích “Sử họ Đoàn Việt Nam”

Banner Content

0 Comments

Leave a Comment