Chương IX: Họ Đoàn Việt Nam thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh và giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh

Một buổi chầu thời vua Lê – Tranh nguồn Internet

Trong giai đoạn này, họ Đoàn có:

Cụ Đoàn Thế Bạt

Cụ Đoàn Thế Bạt là người xã Phù Nội, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cụ đỗ Hội nguyên năm 40 tuổi (đỗ đầu kỳ thi Hội), năm 54 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân tức Hoàng giáp khoa Đinh Sửu, niên hiệu Hồng Thuần Phúc thứ 16 (1577) đời Mạc Hậu Hợp, sau cụ giúp nhà Lê trung hưng làm quan đến chức tham chính.

Cụ Đoàn Hân

Cụ Đoàn Hân người thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 54 tuổi cụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Khánh 3 (1580), đời Mạc Hậu Hợp, làm quan chức Hiến Sát sứ.

Cụ Đoàn Khắc Thận

Cụ Đoàn Khắc Thận sinh năm 1530, người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh, nay là xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Năm 60 tuổi cụ đỗ Đệ Nhị giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Trị thứ 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp, sau ra giúp nhà Lê, làm quan chức Hiến Giáp sứ.

Cụ Đoàn Kim Sơn

Cụ Đoàn Kim Sơn người xã Mỹ Huệ, huyện Tiên Minh, nay là thôn Mỹ Huệ, xã Tiên thắng, huyện Tiên lãng, thành phố Hải Phòng. Năm 32 tuổi, cụ đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Trị 2 (1589), đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.

Cụ Đoàn Tuấn Hòa

Cụ được ghi danh ở Bia số 47 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 1

Cụ người xã Cự Đồng, huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); nguyên quán của cụ ở xã Chi Nê, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Cụ đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất năm 1676. Cụ làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước nam. Do quản binh không đúng luật, cụ bị truất. Sau cụ lại được mời ra làm quan Tự khanh, Đốc trấn Cao Bằng (có tài liệu ghi sai là Nguyễn Tuấn Hòa).

Cụ Đoàn Quang Dung

Cụ được ghi danh ở Bia số 58 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 18

Cụ Đoàn Quang Dung (1681-1741) người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiễn sỹ xuất thân khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 năm 1710. Cụ làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Phụ Quân công và được cử làm Phó sứ (năm 1729) sang Nhà Thanh Trung Quốc. Sau khi mất, cụ được tặng hàm Thiếu bảo. Có tài liệu ghi cụ sau đổi tên là Đoàn Bá Dung.

Cụ Đoàn Thụ

Cụ được ghi danh ở Bia số 70 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 2

Cụ Đoàn Thụ sinh năm 1715, đỗ thủ khoa thi Đình, đệ nhị giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (hay còn gọi là Đình nguyên, Hoàng giáp) khoa Bính Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 năm 1746, thời Hậu Lê. Cả  khoa thi này lẫy đỗ được có 4 người, cùng khoa này có Trần Danh Tố, Đào Vũ Thường, Nguyễn Như Thức đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Cụ làm quan Tả Thị lang, tước Diên Trạch hầu. Có tài liệu ghi là Đoàn Chú. Tên cụ có trong danh sách Thủ khoa nho học Việt Nam ở số thứ tự 125.

Cụ Đoàn Nguyễn Thục

Cụ được ghi danh ở Bia số 72 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 4

Cụ Đoàn Nguyễn Thục (1716-1780) là Đại thần nhà Lê Trung hưng. Cụ vốn có tên là Đoàn Duy Tĩnh, người làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, nguyên quán xã Đại Hạnh, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Trước đó còn có tên là huyện Tế Giang, tỉnh Bắc Ninh. Cụ đỗ Á nguyên (đỗ thứ 2 sau Đình nguyên, Bảng nhã Lê Quý Đôn), đứng đầu Hoàng giáp Tiến sỹ khi 35 tuổi kỳ thi Đình khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông. Năm 1767, Trịnh Sâm lên ngôi chúa, vì kiêng hiệu của chúa Trịnh Sâm là Tĩnh Đô vương nên cụ đổi tên thành Đoàn Nguyên Thục. Cụ là cha đẻ của danh thần Đoàn Nguyễn Tuấn và là cha vợ của đại thi hào Nguyễn Du.

Cụ Đoàn Công Huyền

Bổn Canh Khai Cơ Đoàn Công Huyền có vợ là bà Đào Thị Có, sinh hạ được 3 người con trai và 3 người con gái: Đặc Trấn Thụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ (là một chức võ quan ngày xưa lo giữ việc chinh phạt) Đoàn Công Nhạn; Cai xã vệ thắng Bá Hầu Đoàn Công Tín (còn gọi là ông Tấn); ông Đoàn Công Luận. Ba người con gái là: Bà Đoàn Thị Dũ, bà Đoàn Thị SA, bà Đoàn Thị Dữ.

PHÁI NHẤT:

Đặc tấn phụ, Thượng tướng quân Đoàn Công Nhạn. Cụ có nhị thê: Chánh thất là bà Lê Thị Duyên, sinh hạ 4 trai và 1 gái là: Phò mã Đoàn Công Khanh (hứa) vô tự (không có con trai); Khám Lý Sầm oai hầu Đoàn Công Quảng (Đông yên Đông); Đoàn Công Vi (Dực) ở tại Duy Trinh, Duy Xuyên; Đoàn Công Minh (Lập) ở tại Duy Trinh, Duy Xuyên. Bốn người đều được Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tấn phong “quốc cực”. Con gái là bà Đoàn Thị Cường.

Thứ nhất là bà Võ Thị Ngọc Thành, sanh hạ một con gái là Đức Bà Đoàn Thị Ngọc Phi

Đặc Tấn Phụ Quốc, Thượng Tướng quan, Cẩm y vệ, đô chỉ huy sứ, ty chỉ huy sức thông chưởng quân quốc trọng sự tống Đốc quan, Tặng “Quốc cực, Khám lý sẩm oai hầu Đoàn Công Quảng. Cụ cùng bà Đặng Thị Huệ sinh hạ được 3 người con trai và 5 người con gái. Ba trai là: Chưởng Khám Lý Thắng Sơn Đoàn Công Đợi, sinh hạ con cháu và đứng Tiền Hiền tại Trung Thái (chợ Chùa) Duy An, Duy Xuyên; Cai phủ trang sơn hầu Đoàn Công Huy, con cháu hiện phần đông sinh cư tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt Đức Bà Đoàn Thị Ngọc Phi, sinh năm Tân Sửu (1601) tài sắc vẹn toàn, sau bà là vợ của Chúa Nguyễn Phúc Lan.

PHÁI NHÌ:

Cai xã vệ thắng Bá Hầu Đoàn Công Tín còn gọi là ông Tấn. Cụ có nhị thê là: Chánh thất bà Nguyễn Thị Có, sinh hạ 8 trai và 2 gái. Thứ nhất là bà Đặng thị Nón (tức là bà Hè) sinh hại 2 trai 2 gái.

Trong đó, các con bà Chánh thất là:

Đoàn Công An con cháu ở Tân An, Quế Sơn, Bình Đào, Bình Triều, Thăng Bình; Đoàn Công Hiến (không thấy ghi chú ở đâu); Đoàn Công Kiểm, con cháu ở An Lâm, Duy Hòa, Duy Xuyên; Đoàn Công Quới, con cháu ở Ngọc Họ, Tam Kỳ; Đoàn Công Bổn, con cháu ở Duy Trinh, Duy Xuyên; Đoàn Công Tá, con cháu ở Ngọc Sa, Điện Bàn; Đoàn Công Triều, con cháu ở Quế Trạch, Mông Lãnh, Quế Sơn, Bình Chánh, Bìn Định, Thăng Bình; Đoàn Công Diên, con cháu ở Xuân Phú, Quế Sơn; Đoàn Công Thế và Đoàn Công Tùng (chưa có thông tin).

PHÁI BA:

Cụ Đoàn Công Luận có tam thê: Chánh thất là bà Kim sinh hạ 4 con gái; Thứ thất là bà Phạm Thị Nhị Nương sinh hạ 4 người con trai; Thứ thất là bà Nguyễn Thị Phú sinh hạ 1 con gái.

Bốn người con trai của cụ là: Đoàn Công Trần không có con trai; Đoàn Công Hải không có con trai; Đoàn Công Dang sinh hạ được Đoàn Công Thắng có con cháu sinh sống tại Phiếm Ai, Hòa Duân, Đại Lộc; Đoàn Công Lâm không có con trai.

 Cụ Đoàn Doãn Nghi (1678-1729)

Cụ là Danh sỹ đời Hậu Lê, người xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, hưng Yên, là cha đẻ Đoàn Doãn Luân và nữ sỹ Đoàn Thị Điểm.

Cụ Đoàn Doãn Luân (Trác Luân) là con trai cụ Đoàn Doãn Nghi, là nhà thơ, nhân sỹ đời Lê Dụ Tông, hiệu là Tuyết An.

Bà Đoàn thị Điểm (1705-1745) là con gái cụ Đoàn Doãn Nghi, là nhà thơ nổi tiếng hiệu là Hồng Hà nữ sỹ, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.

Cháu gọi bà Đoàn Thị Điểm là cô ruột – Nữ sỹ Đoàn Lệnh Khương (1726-1780), cũng là một người họ Đoàn khá nổi tiếng thời vua Lê Ý Tông, là con gái lớn của cụ Đoàn Doãn Luân, quê xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Xin giới thiệu một chút về bà:

Là con gái đầu của Giải Nguyên Đoàn Doãn Luân, mới 9 tuổi mồ côi cha. Được mẹ là Lê Thị hiệu Từ Chất và nhờ cô ruột là Hồng Hà Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm nuôi dạy nữ công gia chánh, may vá, thêu thùa. Lệnh Khương được học ở trường Chương Dương do cô sáng lập nên được cô dạy giỗ kèm cặp nên sớm thạo nghề nghiên bút văn chương, thơ phú, đặc biệt là Lệnh Khương sáng tác rất nhiều câu đối, liễn…

Năm Lệnh Khương 14 tuổi đã có Bảo Vực cung tần người cùng huyện mượn lời mai mối xin cô nhận làm Thái Tử phi (vợ) Thái Tử Lê Duy Niên là con vua Lê Thần Tông, nhưng không thành.

Năm Lệnh khương 31 tuổi mới lấy làm kế thất một người bạn thân của cha khi tuổi đã già mà góa vợ là quan Đốc đồng đạo Sơn Nam Tiến sỹ Nguyễn Xuân Huy. Vợ chồng sống với nhau được 10 năm thì chồng không còn được trọng dụng và qua đời trong lúc Đoàn Lệnh Khương mới 41 tuổi đang độ sức xuân tràn trề nhưng không có con. Phu nhân cùng các con chồng lãm lễ đưa tang linh cữu về bản ấp quê chồng mai tang, lập linh sàng sớm tôi điện tế. Phu nhân Lệnh Khương tự soạn 10 câu tế chồng.

Sau đó, bà lên kinh đô dạy học tại tư gia, được xa gần gọi là Nữ học sư. Ngoài 60 tuổi bà về quê nhờ em ruột là Đoàn Doãn Y. Năm 1780 bà mất, thọ 74 tuổi.

Cụ Đoàn Bá Sướng

Người xã Đồng Quan, huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.Cụ đỗ Đồng Tạo sỹ (đỗ Tạo Sỹ là đỗ một khoa thi về môn võ) khoa Bính Thân niên hiệu Cảnh Hưng 37 (1776), đời vua Lê Hiển Tông. Cụ là anh của cụ Đoàn Bá Trọng.

Cụ Đoàn Bá Trọng

Người xã Đồng Quan, huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Biên sinh hợp thức, đỗ Đồng Tạo sỹ ưu, trúng hạng khoa Tân Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 42 (1781), đời vua Lê Hiển Tông.

Trích “Sử họ Đoàn Việt Nam”

 

Banner Content

0 Comments

Leave a Comment