Cao tổ Đoàn Văn Khâm (chữ Hán: 段文欽; là nhà thơ, danh thần, Thượng thư Bộ công đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128)
Cao tổ Đoàn Văn Khâm quê gốc ở Tô Xuyên (nay là An Mỹ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Là con của cụ Đoàn Văn Liễn (tướng nhà Đinh và Tiền Lê), cháu của cụ Đoàn Văn Lan (thuộc tướng của sứ quân Trần Lãm và khai quốc công thần nhà Đinh), chắt của cụ Đoàn Huy Lượng (tướng nhà Ngô) và chút của cụ Đoàn Liêm Duy (thuộc tướng của Khúc Thừa Dụ).
Khi Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế, cụ Đoàn Văn Liễn được cấp đất ở Tô Xuyên làm thái ấp do có công ủng hộ và đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng. Năm 1020, phu nhân Lý thị hạ sinh Đoàn Văn Khâm tại thái ấp. Cụ Đoàn Văn Khâm còn có một người em trai là Đoàn Duy Hải, sau kế tập cha lãnh thái ấp Tô Xuyên.
Cao tổ Đoàn Văn Khâm đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) trong khoa thi Nho học đầu tiên của Việt Nam – khoa Minh Kinh bác học năm Ất Mão 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, năm đó Đoàn Văn Khâm đỗ thứ 2 (tương đương Bảng Nhãn). Ngay sau khi đỗ đại khoa, cụ được vua Lý Nhân Tông bổ nhiệm luôn vào chức Công Bộ Thượng thư năm 1075.
Tại Việt Nam, chức Thượng thư được đặt ra lần đầu tiên vào triều nhà Lý. Đời vua Lý Nhân Tông, có các vị thượng thư: Đoàn Văn Khâm, Mạc Hiển Tích…
Ngài có 2 con trai là Đoàn Thiện Hồng và Đoàn Thiện Nguyện. Về sau, cháu 5 đời của Đoàn Văn Khâm là Đông Hải Đại Vương huý Đoàn Thượng (dòng trưởng), là vị tướng cuối thời nhà Lý đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Ngài là trưởng vùng Hồng và là chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở lộ Hồng Châu, trung thần của nhà Lý.
Cháu đời thứ 9 của thái tổ Đoàn Văn Khâm là cụ Đoàn Nhữ Hài, mới 21 tuổi đã được vua Trần Anh Tông cho vào cung bàn việc nước (chức Nhập nội Hành khiển) đã viết một bản tấu nổi tiếng trần tình tấu vua để trình lên Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, qua đó giúp cho sự ổn định ngai vàng của Hoàng đế Trần Anh Tông khỏi bị quở phạt vì trễ nải việc nước…
Như vậy, hiện nay trên toàn Việt Nam, tộc phả, thế thứ lâu đời nhất về họ Đoàn còn lưu lại được chính là phả hệ dòng cụ Đoàn Văn Khâm. Cụ không chỉ là tiến sĩ khai hoa của tộc Đoàn Việt Nam mà còn là tiến sĩ khai hoa trong các kỳ thi Nho học tại Việt Nam, đồng thời cũng là vị Cao tổ khai tộc. Hầu khắp các nhánh họ Đoàn lớn nhất trong nước còn ghi lại được tông phả thì đều có gốc tích bắt nguồn từ nơi đây. Ngài là một danh nhân, viễn tổ của họ Đoàn có công trạng với triều đình, với dân, với nước, có danh huân, được lịch sử đất nước khắc tên và chính sử của nhà nước ghi nhận. Ngài là người có thanh danh và là khởi tổ của nhiều thế hệ con cháu họ Đoàn Việt Nam trên toàn quốc nên việc suy tôn cụ làm Thái Tổ của họ Đoàn Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, phù hợp với truyền thống dòng họ, với Đoàn Tộc, với mong mỏi của con cháu, phù hợp với đạo hiếu kính ngưỡng và tri ân tổ tiên, phù hợp với lòng người và tín ngưỡng, đạo hiếu thờ cúng cha ông ta ngàn xưa để lại.
Trích “Sử họ Đoàn Việt Nam”
0 Comments