Vua Lê Đại Hành – Tranh nguồn Internet
Nhà Lê hay còn được gọi là nhà Tiền Lê, được bắt đầu khi Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980. Trải qua ba đời quân chủ (Lê Đại Hành, Lê Trung Tông và Lê Ngoạ Triều) và chấm dứt khi Lê Long Đĩnh qua đời. Quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt.
Thời kỳ này họ Đoàn có:
Cụ Đoàn Văn Liễn (Đời 4)
Cụ Đoàn Văn Liễn huý là Văn Liễn, tự Phúc Trung (là con cụ Đoàn Văn Lan), sinh quán Kẻ Noi, Kẻ Cáo, hương Lai Cáo (Từ Liêm, Hà Nội), trú quán làng Tô Xuyên (An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Cụ là tướng của nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống và cụ được ban 10 chữ “Bình Tống huân danh tại, phù Lê sử sách tồn”.
Năm Kỷ Dậu (1009), Đại tướng Đoàn Văn Liễn làm quan triều Tiền Lê, ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi vua lập nên triều Lý. Cụ có công nên được vua Lý Thái Tổ cấp thưởng lộc điền ở Tô Xuyên, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Niên hiệu Thuận Thiên thứ 11. Năm Canh Thân (1020), Tổ Đoàn Văn Liễn đem một số con cháu Kẻ Noi, Kẻ Cáo, hương Lai Cáo đến Tô Xuyên chiêu dân trị thủy đắp đê, đào kênh, làm cống, khai khẩn đất lộc điền, lập ấp thang mộc, phát triển dòng họ, mở trường khuyến học, xây dựng quê hương mới thành làng ấp trù phú thịnh giàu. Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cụ Đoàn Văn Liễn với phu nhân Lý thị, sinh ra Đoàn Văn Khâm, Đoàn Duy Hải. Phả tộc họ Đoàn có ghi: “Tiền cư Lai Cáo, hậu đáo Tô Xuyên, huynh chi Hồng Châu, xưng vương Đông Hải, ốc tại Tu Trình, ký cư Quảng Nạp, thuận Thiên thập nhất, đáo đất Tô Xuyên, chính Long bát niên, tu Trình cư ngụ, thiệu phong thập tứ, một cho họ sang, mở đất khai hoang, lập ra xóm làng, gọi tên Quảng Nạp, người đông đất chật, mộ chỉ họ ra, nhập cư làng Cờ, nguyên niên Hồng Thuận…”. Và câu đối ở từ đường họ Đoàn: “Tiền cư Lai Cáo, hậu đáo Tô Xuyên, ký sử Hồng Châu, lưu cổ tích/ Ốc tại Tu Trình, an cư Đoạn Xá, văn như kế thế, cái tiền cơ”. Nghĩa là: Họ Đoàn trước ở Lai Cáo, sau đến Tô Xuyên, công huân sử sách ghi tại đất Hồng Châu, thần tích còn ghi ở các đình đền/ Gốc nhà đất ở Tu Trình, an cư tại Đoạn Xá, đời đời dòng dõi giữ vững gia thế, mở mang cơ nghiệp tổ tiên.
Sách “Đoàn tộc đại tôn phả ký” do Cử nhân Đoàn Huệ Hải – Tri phủ huyện Vĩnh Khanh, cùng con là Cử nhân Đoàn Viết Yến làm Giám sinh chỉ thụ Quốc Tử Giám, có chép năm Quý Mão (1483) – niên hiệu Hồng Đức thứ 14; Cuốn Đoàn tộc phả ký do Tiến sĩ Đoàn Phúc Luận làm quan Tổng tuần sát tam phủ, chép năm Quý Sửu (1613) – niên hiệu Hoằng Định thứ 13; Cử nhân Đoàn Duy Ca – Nho sĩ Cần Vương, chép phả năm Quý Mùi (1883) – niên hiệu Hiệp Hòa, phần tiền biên phả hệ đều ghi được 10 đời thứ tự từ trên xuống. Chính Long bát niên là niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 8, đời vua Lý Anh Tông, năm Canh Dần (1170), Tổ tiên họ Đoàn đến cư ngụ tại Tu Trình, xưa kia có tên là Trại Mát (Thụy Hồng, Thái Thụy, Thái Bình).
Thiệu Phong thập tứ là niên hiệu Thiệu Phong đời thứ 14 đời Trần Dụ Tông, năm Tân Mão (1351). Một chi họ Đoàn đến khai hoang lập làng tại Quảng Nạp, hậu duệ tổ Đoàn Công Phúc Lãnh có Đoàn Công Uẩn thủ lĩnh nghĩa quân Bình Đình Vương Lê Lợi đánh giặc Minh (Trung Quốc), được Lê Thái Tổ tặng danh hiệu: “Đoàn Mãnh tướng danh huân” cấp sắc phong thần, chiếu chỉ làng Quảng Nạp thờ Thành hoàng. Đại liêu ban Đoàn Thai và thủ lĩnh ngĩa quân Đoàn Đức có công đánh giặc Nguyên – Mông thế kỷ thứ 13.
Hồng Thuận nguyên niên là niên hiệu Hồng Thuận thứ nhất, đời Lê Tương Dực, năm Canh Ngọ (1510). Một chi họ Đoàn đến làng Cờ (Phan Xã, Tứ Kỳ, Hải Dương), nhiều chi họ ở Tứ Lộc, Hải Dương là hậu duệ của tổ Đoàn Công Phúc Lãnh; có một số vị đỗ Tiến sĩ, Cử nhân được bổ nhiệm làm quan, làm tướng, Quận công thời Hậu Lê, thời Nguyễn.
Trích “Sử họ Đoàn Việt Nam”
0 Comments