Sự tích Hồ Gươm – Tranh nguồn Internet
Nhà Lê Sơ là giai đoạn đầu của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê. Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như sự suy thoái của nó. Nhà Lê Sơ được khởi đầu sau khi Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại quân Minh xâm lược. Ông đổi tên Giao Chỉ vốn tồn tại trong thời gian nội thuộc nhà Minh, trở về Đại Việt là quốc hiệu có từ đời Lý Thánh Tông.
Thời Lê Sơ, họ Đoàn có:
Cụ Đoàn Bá Tuân
Cụ Đoàn Bá Tuân là người trải thờ 4 đời vua: Thánh Tông, Hiến Tông, Uy Mục, Tương Dực. Năm Quý Mùi 1483, Hồng Đức niên quân Lê Triều Thánh Tông hoàng đề cử cụ đi trấn thủ Hải Dương. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1513) – Hoàng triều Tương Dục Đế, khi giặc Ngô Văn Tông nổi dậy, cụ đem quân dẹp loạn, thế giặc rất mạnh, tình thế rối ren bởi vì vua lo ăn chơi xa xỉ, nên cụ bị giặc vây hãm trong thành. Khi Trịnh Duy Sản kéo quân đến giải vây thì cụ và 12 người khác đã bị giặc giết, trong đó có Thừa chỉ Nguyễn Anh Vũ (con trai Nguyễn Trãi). Sau đó gia đình phải lánh nạn, vợ cụ là bà Phạm Thị Ôi cùng con đầu là Đoàn Bá Khởi chạy vào Miền Trung phủ Diễn Châu, Nghệ An lập nên các thế hệ họ Đoàn đông đúc như ngày nay ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Yên Thành.
Cụ Đoàn Bá Doãn
Cụ là người con thứ 2 của cụ Đoàn Bá Tuân, chuyển về định cư ở vùng Văn Giang Hưng Yên, sau này phát triển ra các vùng phụ cận.
Cụ Đoàn Thạch Quỹ
Cụ là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Đoàn Bá Tuân (Quan Trấn thủ Hải Dương). Cụ có 3 người con là: Đoàn Tiến Nhậm, Đoàn Duy Tinh, Đoàn Huệ Hải, trong đó:
– Cụ Đoàn Tiến Nhậm vào định cư ở làng Vân Chàng, sau một nhánh chuyển qua Quang Chiêm làm nghề đúc đồng, nay Quang Chiêm thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
– Cụ Đoàn Huệ Hải đỗ cử nhân ra làm quan tri huyện Vĩnh Khang (Nghệ An) vào thời Hậu Lê. Con cụ là Đoàn Viết Yến làm tướng Tiền cẩn sứ của quân Trịnh (thời Trịnh – Nguyễn phân tranh), đến đời cháu nội của cụ là Đoàn Viết Trinh (tức My) thì một nhánh chuyển về huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
– Cụ Đoàn Duy Tinh chuyển vào định cư ở làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế – vào thời Chúa Nguyễn Hoàng (1600-1630). Cụ Đoàn Duy Tinh có 5 người con, sau này định cư ở những nơi khác nhau: Đoàn Thọ Sơn đinh cư ở làng Chuồn, Đoàn Thọ Sanh và Đoàn Lâm Hoành vào Quảng Nam, Đoàn Công Bồ chuyển ra Quảng Bình, Đoàn Nhân Phước định cư ở Thuận Hóa (Huế).
Con cháu của Đoàn Thọ Sơn về sau có một nhánh lại chuyển ra làng Gia Đẳng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dòng này phát triển mạnh, đời sau có 3 anh em là tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam (Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương, Đại tá Đoàn Thúy). Còn một nhánh khác con cháu Đoàn Thọ Sơn chuyển từ làng Chuồn về xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Đời sau có Giáo sư Đoàn Trọng Truyến làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, con trai ông là Đoàn Mạnh Giao làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Hậu duệ của cụ Đoàn Duy Tinh ở Thừa Thiên Huế có cụ Đoàn Văn Hổ sinh được 3 người con là Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực và Đoàn Hữu Ái, là những người tổ chức vụ “Loạn chày vôi” nổi tiếng thời vua Tự Đức (1848-1883).
Nhánh chuyển về Nam Bộ ở bến tre, rồi chuyển sang Tiền Giang, Long An. Nhánh này về sau có nhiều người giữ chức vụ cao trong chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như ông Đoàn Văn Chất (Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam khóa V, VI, VII làm phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương); Ông Đoàn Văn Xê (Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải); Bà Đoàn Thúy Ba (Anh hùng lao động, Thứ trưởng Bộ Y tế).
Nhánh chuyển vào An Giang, Đồng Tháp thì chuyển thành họ Dương.
Người con trai thứ 4 của cụ Đoàn Duy Tinh là Đoàn Công Bồ chuyển ra Quảng Bình phát triển cho đến ngày nay khá đông đúc, nhưng chưa có người làm nên sự nghiệp lớn.
Người con trai út của cụ Đoàn Duy Tinh là Đoàn Nhân Phước có cháu ruột là Đoàn Loan chuyển cư vào xã Bình Hóa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, rồi từ đây chuyển vào Nam Bộ. Cụ Đoàn Văn Thành là cháu cụ Đoàn Loan chuyển vào thôn Tân Bình, tống An Phú Trung, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Vào khoảng năm 1760, khi làm chức Quản cơ hiệu Thân quân (hộ tống nhà vua) đi tháp tùng Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện binh chống Tây Sơn thì mất. Ông Thành có 9 người con thì chỉ có 2 người con là (Đoàn Văn Khắc và Đoàn Văn Trường) thành đạt làm quan và có chức tước trong triều, còn lại 7 người khác đều làm ruộng.
Cụ Đoàn Văn Khắc là Thủy quân, Vệ úy đời vua Minh Mạng, mất năm 1840 ở An Giang, không rõ về vợ con.
Cụ Đoàn Văn Trường trải qua nhiều trọng trách đời vua Gia Long như: Tổng đốc, Thượng thư Bộ binh, đến tháng 7 năm1828 thì ông được điều ra Bắc, để vợ và 6 người con trong Nam. Sau này ông lấy vợ lẽ ngoài Bắc. Trong 6 người con ở Nam Bộ thì có 3 người có chức tước trong triều Nguyễn, đó là Đoàn Văn Sách, Đoàn Văn Học, Đoàn Văn Lộc. Trong đó, cụ Đoàn Văn Sách làm Đề đốc Vĩnh Long, đời vua Minh Mạng, bị bệnh mất 20/4/1842, có 6 con trai, nhưng đến nay không rõ tung tích. Cụ Đoàn Văn Học là Chánh vệ cẩm y đời vua Thiệu Trị (1941-1947), mất ở thôn An Quý, tổng Bình Trị thượng, huyện Bình Dương, phủ Gia Định. Ông Học có 4 người con trai nhưng không rõ tung tích về sau. Còn cụ Đoàn Văn Lộc làm Trấn Tây hậu bổ thời Minh Mạng (vùng này hiện nay là đất Campuchia). Cụ Lộc có 4 con trai nhưng về sau không rõ tung tích.
Như vậy kể từ đời cụ Đoàn Văn Thành, về sau đã có 28 người con, cháu là hậu duệ của cụ Đoàn Bá Tuân ở Hải Dương vào Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, rồi vào định cư ở Nam Bộ và sinh ra các thế hệ họ Đoàn ở các vùng này, gồm các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang (đến nay đã hơn 12 đời con cháu).
Cụ Đoàn Công Uẩn
Cụ Đoàn Công Uẩn thuộc chi họ ở Quảng Nạp, Thái Thụy, Thái Bình. Cụ là người có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh, được tặng danh hiệu Đoàn dũng tướng danh huân, được thờ làm Thành Hoàng ở Quảng Bắc.
Ở Thái Thụy có một ngôi mộ cổ và một con đường mang tên “Ngô Lột” gần với những kỳ tích giúp dân diệt giặc Minh xâm lược của ông tổ họ Đoàn là Đoàn Công Uẩn – một mãnh tướng thời Lê, hẳn gia thế và sự nghiệp của cụ Đoàn Công Uẩn đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến…
Vào đời Trần Thuận Thông (1388-1398) có người là tên Đoàn Phúc Lanh (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) được giao chức huyện lệnh huyện Trường Tân, phủ Tân An (Tứ Kỳ, hải Dương). Vua lấy công điền làng Quảng Nạp (Thụy trình ngày nay) ban cho thực ấp.
Năm 1407 giặc Minh xâm lược nước ta, Hưng nghĩa hầu Vũ Uy vào Lam Sơn giúp Lê Thái Tổ đnhs đưởi giặc Minh, tướng quân Phùng Thế Kỳ và huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh ở lại phủ nhà tiếp tục chống quân xâm lược nhà Minh.
Trong 20 năm anh dũng kiên cường đánh giặc (1407-1427), đất Thái Bĩnh đã có nhiều người trở thành danh tướng, danh thần, tên tuổi ghi trong sử sách như: Đinh Lan, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ, Vũ Uy, Bùi Quốc Hưng…Thế nhưng có một chàng trai chưa ghi trong quốc sử, nhưng lại được hậu thế đời đời kể chuyện như tấm gương trung liệt, nêu gương cho các thế hệ noi theo. Đó là con trai huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh có tên là Đoàn Công Uẩn (Đoàn Uẩn) từ tuổi 18, 19 đã nuôi ý chí đánh giặc. Chiến đấu dũng cảm, khí phách anh hùng, cụ Đoàn Công Uẩn đã hy sinh anh dũng để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước và niềm tiếc thương của nhân dân.
Tấm gương anh dũng của chàng trai họ Đoàn làng Quảng Nạp được vua Lê Cảnh Hưng tuyên dương bằng những chữ vàng có ghi trong săc phong Cảnh Hưng năm thứ 18: “Mãnh tướng dũng liệt, phù tộ, triệu mưu, tả bộ, cương nghị, quả đoán, đốc bật hồng tục, khoan nhân, trợ thắng, thành công”, Các vua triều sau đều “giao cho dân Quảng Nạp tổng, Quảng Nạp xã tòng tiền phụng sự Mãnh tướng quan Đoàn Uẩn”.
Biết ơn công lao to lớn, giúp dân diệt giặc cứu nước của tướng quân Đoàn Công Uẩn, dân làng đã tôn cụ là Thành Hoàng thờ tại Đình Bắc (Thôn bắc, Thụy Trình).
Cụ Đoàn Nhân Công
Tên cụ được ghi ở Bia số 2 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 18
Cụ Đoàn Nhân Công đỗ đầu đệ tam giáp, đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448), được bổ chức Ngự tiền học sinh. Cụ là người xã Cao Mật, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay thuộc xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Cụ Đoàn Lạn
Tên cụ được khắc ở Bia số 4 Văn Miếu Quốc Tử Giám thứ tự số 8
Cụ Đoàn Lạn đỗ đệ nhị giáp, tiến sỹ xuất thân tức Hoàng giáp, khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận năm thứ 7 (1466), làm quan Thừa tuyên sứ và từng được cử đi sứ sang nha Minh (Trung Quốc). Cụ là người xã Hồng Lục, huyện Trường Tân (nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Cụ Đoàn Công Bẩm (con cụ Đoàn Uẩn)
Cụ được vua ban Quốc tính là Đoàn Công Bẩm – một võ tướng được phong chức Thái thường tự Thiếu khanh, tước Thiên hào tử, sau này chuyển về Hiến Phạm, Văn Giang, Hưng Yên. Hậu duệ của cụ sau này có Đoàn Doãn Luân, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng, Tiến sỹ Đoàn nguyên Thục, Tiến sỹ Đoàn Nguyên Tuấn…
Cụ Đoàn Hiến Chân
Cụ được ghi danh Bia số 1 Văn Miếu Bắc Ninh số thứ tự 44
Cụ Đoàn Hiến Chân đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khỏa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 năm (1469) đời vua Lê Thánh Tông.
Cụ làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các Đại học sỹ. Cụ người Ôn Xá, huyện Tế Giang, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Cụ Đoàn Mậu
Cụ được ghi danh Bia số 5 Văn Miếu Quốc Tử Giám thứ tự số 38
Cụ Đoàn Mậu, người xã Kim Côn, huyện An Lão (nay thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng). Cụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 năm 1475. Cụ làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục, tước Cẩm Lễ Nam.
Cụ Đoàn Huệ Nhu
Cụ được ghi danh ở Bia số 8 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 50
Cụ Đoàn Huệ Nhu đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (năm 14870, làm quan đến chức Thừa chính sứ. Cụ là người xã Phù Vệ, huyện Ngự Thiên (nay là xã Liên hiệp, huyện Hưng Hà, Thái Bình).
Cụ Đoàn Nhân Thục người xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm (nay thuộc Nghĩa Đô, Từ Liêm, hà Nội). Cụ đỗ đệ nhị giáp đồng tiến sỹ xuất thân (hay còn gọi là Hoàng giáp tiến sỹ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 1502. Cụ làm quan đến Hiến sát sứ.
Cụ Đoàn Văn Thông
Cụ được ghi danh ở Bia số 11 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 39
Cụ Đoàn Văn Thông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511), làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ. Cụ là người huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), trú quán xã Lương Xá, huyện Lương Tài (nay xã Phú Lương, huyện Lương Tài, bắc Ninh).
Cụ Đoàn Quảng Phu
Cụ được ghi danh ở Bia số 12 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 8
Cụ Đoàn quảng Phu người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, hải Dương). Cụ đỗ đệ nhị giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Quý mùi (hay còn gọi Hoàng giáp, Tiến sỹ), niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514). Cụ làm quan Đông các Đại học sỹ. Có tài liệu ghi cụ là Đoàn Đức Phu.
Cụ Đoàn Sư Đức
Cụ được ghi danh ở Bia số 12 Văn Miếu Quốc Tử Giám số thứ tự 39
Cụ Đoàn Sư Đức đễ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514). Cụ làm quan nhà Mạc, đến chức Thượng thư, tước Hà Văn hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Cụ là người xã Văn Xá, huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh).
Cụ Đoàn Đình Chương
Cụ Đoàn Đình Chương người huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, đỗ đệ nhị đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Đinh năm Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) khi cụ mới 23 tuổi. Sau cụ làm quan đến chức Thượng thư, cụ mất năm 67 tuổi. Sau này nhà Lê phong cụ là Phúc Thần và được nhân dân địa phương thờ cúng ở đình làng.
Cụ Đoàn Đại Lang
Hạt giống Đoàn tộc Đông yên khởi nguồn từ cụ Thái Thỉ – Đoàn Đại Lang tự là An Phận, cùng bà Nhứt Nương hiệu An Tâm; nguyên quán tỉnh Hải Dương, Phủ Thừa Tuyền Hạ Hồng, huyện Gia Phước xã Khuôn Phụ.
Theo văn bia làng Khuôn Phụ có từ thời Tiền Lê (thế kỷ thứ XI), trong cổ sử làng đã có các vị tiên hiền như cụ nghè Đoàn Đại Lang, khóa sinh Đoàn Văn lục, Đoàn Văn Khánh, cụ đồ nho Đoàn Văn Sởi…
Cụ Đoàn Đại Lang là hậu duệ cụ Đoàn Nhữ Hài, người xã Khuôn Phụ, huyện Gia phước, phủ Thừa Tuyên, tỉnh Hải Dương. Cụ vào định cư ở Duy Xuyên, Quảng Nam, trú tại xã Ba Châu, huyện Hà Đông, phủ Thăng Ba, xứ Quảng Nam. Cụ làm Cai cơ, theo Lê Thánh Tông đi đánh giặc Nam chinh. Cụ có 1 con trai và 1 con gái: Con trai là Đoàn Công Huyền, con gái là Đoàn Thị Yểm.
Trong năm Lê Hồng Đức, có sắc lệnh trưng binh, cụ mang vợ con theo phò vua Lê thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành là Trà Toản. Sau khi đánh giặc xong, vua bèn hạ chiếu cho tướng sỹ ban sự hồi trào, còn cụ Đoàn Công Huyền tấu cùng vua Lê xin ở lại tỉnh Quảng Nam, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu lúc bấy giờ ở Quảng Nam.
Lúc bấy giờ cụ Đoàn Công Huyền và cụ Đoàn Công Nhạn quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu gọi là Quảng Nam xứ – Tên đất Quảng Nam xuất hiện từ năm Hồng Đức thứ 2 (tháng 6/1471), do vua Lê Thánh Tôn đặt cho mảnh đất vừa giành được, dài đến cuối huyện Tuy Phước – Phú Yên ngày nay. “Quảng Nam thừa tuyên” có nghĩa là “đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa”.
Trích “Sử họ Đoàn Việt Nam”
0 Comments