Đoàn Tử Quang năm 106 tuổi – Ảnh nguồn Internet
Đoàn Tử Quang được đánh giá là sĩ tử hiếm có trên đời. Để báo hiếu mẹ, ông đã 21 lần lều chõng đi thi cho đến lúc đỗ cử nhân khi đã 82 tuổi.
Đoàn Tử Quang (1818 – 1928), quê ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng về đức hiếu học và ý chí vươn lên. Đồng thời cũng nêu cao đức hạnh của một người học chữ thánh hiền – lòng hiếu thảo làm vui lòng đấng sinh thành.
21 lần lều chõng
Cụ Đoàn Tử Quang đi thi 21 lần, năm 82 tuổi mới đỗ cử nhân.
Đoàn Tử Quang là con thứ hai của ông Đoàn Nhuyện (Liệt Giang cư sĩ) và bà Lê Thị Nậm. Mồ côi cha từ nhỏ, Đoàn Tử Quang lớn lên dưới sự dạy bảo của người mẹ. Được mẹ khuyến khích học hành, theo đuổi khoa cử để lập công danh nên ông chăm chỉ học tập.
Dù vậy, như câu thành ngữ “học tài thi phận”, ông thi nhiều lần mà không đỗ. Mãi tới năm 49 tuổi, ông mới lần đầu tiên thi đỗ Tú tài và cũng chỉ đỗ Tú tài lần thứ hai khi đã 66 tuổi. Các tư liệu lịch sử cho biết, trước khi đỗ cử nhân ở tuổi 82, Đoàn Tử Quang đã có đến 21 lần lều chõng tham gia ứng thí.
Theo ông Đoàn Tử Hòa, cháu năm đời của Đoàn Tử Quang thì ông vốn tên Đoàn Tự Cận. Sau nhiều lần lều chõng đi thi mà chỉ hai lần đỗ Tú tài, nên cho rằng do cái tên mình như bị trời giam hãm (Tự – trong chữ Hán như có mái che ở trên không nhìn được cao xa; Cận – tức gần), nên đã thay đổi bằng cách “tháo cái mái” trên đầu chữ “Tự” thành chữ “Tử” (nghĩa là con), và đổi tên Cận thành Quang (sáng), như một sự nhận lãnh trách nhiệm xây dựng họ Đoàn Tử theo nghiệp thi thư.
Thế nhưng, trong nhiều khoa thi tiếp, cánh cửa bảng vàng vẫn im ỉm đóng. Vào khoa thi Canh Tý (1900), Đoàn Tử Quang không định đi thi vì tuổi quá cao. Thế nhưng do khoa ấy làng ông không có thí sinh nào, nên chức sắc trong làng đã động viên ông đi thi.
Năm ấy, vợ cả ông vừa mất, nên ba con trai của ông không được dự thi theo luật “đoạn tang” (đang có tang cha, mẹ không được đi thi). Không thuyết phục được ông, các chức sắc phải đến nhờ mẹ ông là cụ Lê Thị Nậm. Là người hiếu nghĩa, ông tuân lời mẹ, lều chõng đến trường thi.
Thi để báo hiếu mẹ
Người đỗ đầu khoa thi năm Canh Tý (1900) – chí sĩ Phan Bội Châu có câu đối tặng “cụ sĩ tử” Đoàn Tử Quang, rằng: “Xảo thật trời kia, xảo thật nguyệt kia, hẵng đem mùi cay đắng thử khách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm/ Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương về trả tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm cái phong vân”.
Qua bốn kỳ thi, Đoàn Tử Quang đạt kết quả hai ưu, hai thứ, kém thủ khoa Phan Bội Châu chỉ có một ưu. Đáng lẽ Đoàn Tử Quang được xếp Á nguyên nhưng khi xét trong quyển, nơi cộng các chỗ tẩy xóa, theo quy định thí sinh phải viết ba chữ “cộng quyển nội” rồi mới được kê ra từng lỗi, thì ông lại không viết.
Lỗi này là lỗi phạm trường quy, theo luật phải đánh hỏng, song quan chánh chủ khảo cảm phục chí học hành bền bỉ hiếm có xưa nay nên đã làm tờ tấu về triều xin cho ông đỗ nhưng chỉ xếp thứ 29 trong 30 người.
Việc một ông lão 82 tuổi dự thi đã được Chánh Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh và Phó Chủ khảo Mai Khắc Đôn phải ghi chép lại thành chuyện dưới đầu đề “Mẩu chuyện hay được ghi lại ở Trường Thi” trong sách “Khoa Canh Tý”: “Ông lão vào tôi rời khỏi ghế, cầm tay ông lão cùng đi mà rằng “Đẹp làm sao! Thọ làm sao!”. Chí khí cao mà kiên định vậy! “xin hỏi mắt cụ có bị mờ không”? Ông lão trả lời “có bị mờ”. Tôi lại hỏi “Chân gối cụ có bị mỏi không?”. Ông lão đáp: “Còn có thể đi bộ, chạy, lễ, bái, đưa, đón được”.
0 Comments