Kiến trúc sư Đoàn Văn Minh

KTS Đoàn Văn Minh – Ảnh nguồn Internet

Đoàn Văn Minh – Một KTS tài năng, một người thầy tận tụy, đầy tinh thần trách nhiệm. Ông nêu một tấm gương cao đẹp về lao động sáng tạo, về nhân cách lớn lao của một con người cho các thế hệ KTS noi theo.

Cho đến nay, hầu hết công trình kiến trúc sáng tác cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, thế kỷ XX của KTS Đoàn Văn Minh vẫn trụ đọng với thời gian, được chúng ta trân trọng, yêu quý với tình cảm nồng thắm như buổi ban đầu. Ông là một trong những KTS tiền Cách mạng có trình độ vững vàng, sắc sảo. Cống hiến của ông nổi bật nhất trong sáng tác là thời kỳ tài năng đang ở vào độ chín, tuổi đời 50. KTS Đoàn Văn Minh đã góp phần làm rực rỡ nền nghệ thuật kiến trúc nước nhà trong giai đoạn xây dựng chế độ mới trên miền Bắc. Ông yêu nghệ thuật như một lý tưởng, có quan điểm chắc chắn vững vàng. Tư duy kiến trúc và phong cách nghệ thuật của ông không những được thể hiện trên mỗi công trình bằng bút pháp điêu luyện, độc đáo mà còn là tâm huyết trên bục giảng của mái trường Đại học Kiến trúc, nên lớp người đi sau – nhất là học trò ông – chịu ảnh hưởng khá sâu sắc.

Năm 26 tuổi tốt nghiệp kiến trúc sư ở Khoa Kiến trúc- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng khoá với Võ Đức Diên (1930-1935), Đoàn Văn Minh bắt đầu hành nghề ở Sở Hoả xa rồi Nha Công chính Đông Dương. Giữa lúc KTS bế tắc nhất, cây bút chì thưa đặt trên giấy can thì Cách mạng Tháng Tám thành công. KTS như được cứu sống, thế là từ ấy ông tham gia cách mạng cống hiến cho nghề với cả tấm lòng và sức lực của tuổi trẻ.

Đầu tháng 4 năm 1948, ông đã cùng với KTS Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm hăm hở đi bộ gần tháng trời từ Liên khu II, Liên khu IV lên Thản Sơn, Vĩnh Yên (trong rừng Việt Bắc) để dự Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam tức Hội KTS Việt Nam ngày nay. Sau Hội nghị, ông được giao nhiệm vụ công tác tại Phòng Kiến trúc Liên khu IV. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta phải tuỳ hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”, ông đã dành thời gian nghiên cứu và sáng tác khá nhiều, cùng với KTS Nguyễn Ngọc Chân nghiên cứu thiết kế làng Cú Đông (Thanh Hoá), quy hoạch thị xã Thanh Hoá và thị xã Hoà Bình. Những công trình thiết kế trong giai đoạn này tuy quy mô nhỏ, vật liệu tạm thời bằng tre, gỗ song đã góp phần xây dựng vùng tự do ngày càng vững mạnh.

Giữa năm 1950, các phòng kiến trúc ở bốn liên khu được hợp nhất thành Vụ Kiến trúc, đặt trụ sở ở Thái Nguyên rồi Tuyên Quang. Một lần nữa Đoàn Văn Minh lại tạm biệt gia đình, trèo đèo lội suối từ Thanh Hoá lên Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới ở Vụ Kiến trúc và Ban Nghiên cứu Kế hoạch và Kỹ thuật thuộc Bộ Giao thông – Công chính, làm công tác nghiên cứu và thiết kế cho trước mắt và tương lai. Ông lại trở vào Thanh Hoá, tham gia làm đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; sau đó phụ trách Phòng thiết kế Kiến trúc ở Tổng cục Đường sắt, thiết kế nhiều nhà ga trên miền Bắc nước ta.

Giữa thập niên 50, ông chuyển sang Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc (Công ty tư vấn Xây dựng Dân dụng Việt Nam, Bộ Xây dựng hiện nay), phụ trách Tổ thiết kế 3 (tương đương trưởng phòng hoặc xưởng trường hiện nay). Ngót 10 năm làm công tác sáng tác ở một cơ quan thiết kế kiến trúc lớn, KTS Đoàn Văn Minh đã để lại một di sản đồ sộ.

Được đào tạo theo phương pháp cổ điển của Pháp, nên hầu như các công trình do ông thiết kế đều tiêu biểu cho hệ kết cấu tường gạch chịu lực theo tinh thần của của Chủ nghĩa Tân cổ điển phương Tây. Tuy nhiên ông không dừng lại áp dụng lộ liễu thức Hy Lạp – La Mã mà đã cải biên một cách dung dị nhuần nhuyễn để phù hợp kiến trúc truyền thống Việt Nam. Những tìm tòi sáng tạo của ông không chỉ thể hiện trong các chi tiết trang trí mang nét đặc thù dân tộc cho gần gũi với tình cảm nhân dân ta, mà chủ yếu là tổ chức dây chuyền hợp lý và tạo nên những không gian kiến trúc hợp với tình cảm và tâm hồn con người, hình khối, đường nét hài hoà, sinh động.

Trụ Sở Tổng cục Thống kê xây dựng trong khu đất nhìn ra ngã ba phố Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) là một trong những công trình công sở tiêu biểu cho hệ kết cấu tường gạch chịu lực vào loại đẹp nhất đầu thập niên 60. Do nắm chắc về tỷ lệ, lại có đôi mắt nhìn tinh tế, chính xác, kết hợp với đôi bàn tay tài hoa, KTS Đoàn Văn Minh đã đưa ra giải pháp thích đáng trong bố cục mặt bằng, đồng thời tạo khối hoàn chỉnh, chững chạc đàng hoàng và đường nét thanh thoát, gợi cảm. Trụ sở có mặt bằng hình chữ U, đối xứng theo trục giữa, hai cánh bên chạy song song theo trục phố. Để mở rộng tầm nhìn, tạo không gian phía trước bề thế và ấm cúng, KTS đã uốn mặt nhà lõm theo hình cánh cung, được nhấn bằng tiền sảnh ở chính giữa. Trên các mặt đứng của công trình thể hiện được hệ kết cấu chịu lực khá rõ nét và ngôn ngữ kiến trúc thống nhất. Tầng trệt tường dày hơn các tầng trên, tác giả đã nhấn bằng một giải băng ngang, phân tầng bởi một đường gờ to tạo thành cái đế vững chắc, màu đậm, tương phản với những mảng tường nhẹ và gờ phân vị dọc cao suốt ba tầng nhà bên trên. Kết thúc chiều cao khối nhà bằng một tầng mái chạy ngang, tạo nên thế ổn định của công trình.

Trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp cũng nằm trong thế đất tương tự, song mặt trước bố trí sân vườn, mặt bằng nhà hình chữ “nhất”, giải pháp kiến trúc có những nét tương đồng, tuy vậy công trình này nhỏ hơn, đơn giản hơn.

Trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng rất đường bệ, trang nghiêm, thể hiện đúng nội dung tính chất của một cơ quan đầu tỉnh.

Trường đại học Thuỷ lợi bố trí khối nhà học tập ở phía trước, được xây dựng hình khối to lớn, dài rộng và cao đẹp nhất thời điểm bấy giờ, dư luận quan tâm chú ý đến những đặc điểm mới mẻ xuất hiện bất ngờ về hình thức kiến trúc cũng như nội dung công trình. To lớn mà không thô, dài rộng mà không đơn điệu, chính là nét nổi bật của tác phẩm và cũng là cách nghĩ, cách nhìn của KTS Đoàn Văn Minh.

Dạng tài này còn có Trường đại học Nông lâm, Trường Thống kê Trung ương và nhiều trường trung học y tế đã xây dựng ở các tỉnh Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định ngày ấy.

Ông là KTS đương thời dày công đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc bệnh viện nên khá am hiểu về giải pháp kiến trúc, dây chuyền sử dụng các thể loại bệnh viện. Nhiều công trình đã có tuổi thọ gần nửa thế kỷ đến nay vẫn phù hợp với phương pháp điều trị tiên tiến, như các bệnh viện Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái, Nghĩa Lộ…

Phải đặt vào hoàn cảnh thời bấy giờ, kiến thức về xã hội mới còn hạn chế, điều kiện giao lưu về khoa học – kỹ thuật chưa mở rộng, xi măng và sắt thép quý hiếm, tài liệu và sách tham khảo thiếu thốn, tiêu chuẩn quy phạm mới đang bước đầu nghiên cứu… mà KTS đã sáng tác được những công trình như trên là một sự cố gắng hết mình. Mặc dù còn những khiếm khuyết, nhất là về công năng, song cốt lõi có ý nghĩa lớn nhất vẫn là thành công và cũng là kinh nghiệm, là tiền đề để phát triển nền nghệ thuật kiến trúc mới hôm nay.

KTS Đoàn Văn Minh là một kho sách kiến trúc sống rất phong phú. Những phác thảo gian hàng Việt Nam của ông tại Hội chợ Quốc tế ở New Delhi Ấn Độ (1960) được bạn bè khen là rất tinh thông kiến trúc cổ, gây ấn tượng tốt đẹp với khách nước ngoài về đất nước Việt Nam. Đồng nghiệp phong cho ông biệt danh trìu mến: Nhà kiến trúc Hà Nội học. Ông thuộc từng chi tiết nhỏ ở mỗi công trình kiến trúc trên phố xá Hà Nội. Ông hay nói với anh chị em kỹ thuật viên giúp việc: Cái này thời trước đã có người nghiên cứu rồi, nó ở phố… hãy đến xem và rút kinh nghiệm để thiết kế khác đi, hay hơn. Ông là linh hồn của Tổ thiết kế 3, Cục thiết kế Dân dụng ngày ấy.

Cục thiết kế Dân dụng ngày đầu chỉ có 5 KTS, mỗi KTS phụ trách một tổ thiết kế khoảng hai chục người, trong đó có vài ba bác hoa viên thời Nha Công chính Đông Dương và các họa viên được Vụ Kiến trúc đào tạo ở Việt Bắc, còn hầu hết là anh chị em kỹ thuật viên trung cấp kiến trúc mới ra trường. KTS Đoàn Văn Minh rất coi trọng chất lượng thiết kế và tư duy sáng tác. Để có ý tưởng phong phú, thiết kế tốt, đa dạng thì phải có lực lượng hành nghề giỏi, do đó ông chủ trương thông qua các công trình sản xuất mà đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề của anh chị em trong tổ.

Cách làm việc của tổ thiết kế từ lâu đã trở thành nền nếp. Sáng nào kiến trúc sư cũng đi một vòng quanh các bàn làm việc, góp ý bản vẽ cho từng người. Ông trao đổi thân tình, tràn đầy phong vị học thuật, nét phác thảo góp ý của ông bao giờ cũng đẹp và chính xác, đúng tỷ lệ. Nhiều khi gặp những chỗ khó hình dung ông liền vẽ phối cảnh thể hiện chi tiết nên anh chị em tiếp thu nhanh, do vậy đẩy nhanh được tiến độ và nâng cao chất lượng thiết kế. Sau khi đã nắm công việc của từng người, ông trở về bàn làm việc của mình để tiếp tục phác thảo tìm ý sáng tác công trình mới.

Ông là người hoà nhã, chân thật, cởi mở, một nhân cách đa chiều, một trí thức có uy tín được đồng nghiệp và mọi người gần gũi tin yêu. Về mặt chuyên môn, ông có quan điểm rõ ràng, lập luận chắc chắn, bảo vệ chân lý đến cùng, thái độ cứng cỏi dám nói thẳng một khi ông coi đó là lẽ phải. Đi đôi với công tác quản quản lý và sáng tác ở cơ quan, ông còn dành thời gian tham gia giảng dạy ở Lớp đào tạo KTS.

Khi KTS Đoàn Văn Minh rời cơ quan thiết kế để chuyển hẳn về Lớp đào tạo KTS làm công tác giảng dạy thì tuổi nghề đã tròn 30. Nhiều năm ông dạy môn nguyên lý kiến trúc và hướng dẫn đồ án, đó cũng là sở trường của ông. Năm 1967, ông được phân công làm Tổ trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng. Khi Lớp đào tạo KTS chuyển thành Trường đại học Kiến trúc Hà Nội (17/9/1969), cũng là năm ông đã quá tuổi hưu trí, tuy vậy ông cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc. Tuổi đã cao, sức lại yếu, vì sự nghiệp đào tạo thế hệ KTS tương lai mà ông theo học trò của mình đi sơ tán khắp nơi, với chiếc gậy mộc trên tay. Khi lăn lộn ở vùng gò đồi Thuỵ Vân, Phú Thọ, khi lặn lội ở vùng ngập lụt Quế Võ, Hà Bắc (nay trở lại là tỉnh Bắc Ninh). Sức khoẻ sa sút, bệnh hen suyễn mãn tính hoành hành ông đêm ngày, song ông vẫn dốc lòng với nghiệp, tận tuỵ, gương mẫu. Ông có linh cảm như thiếu thời gian, hễ vừa dứt cơn, ông lại truyền nghề cho học trò cái vốn kiến thức. Năm 1972, ông nghỉ hưu, vừa an nhàn được một chút thì năm sau ông về với cõi vĩnh hằng.

KTS Đoàn Văn Minh hiểu rộng, sáng tác nhiều, lại có nhân cách nhà giáo nên học trò rất kính nể và tin phục. Ông thường xuyên bồi dưỡng cho học trò mình phương pháp nghiên cứu và hướng phát huy năng khiếu của từng người. Ông đã thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin và trí tuệ trong thế hệ sinh viên kiến trúc thời chống Mỹ ở miền Bắc nước ta.

Học trò thầy Minh, nhiều người đã đi theo con đường của ông, vào nghề với những tác phẩm xây dựng trong thực tế rồi mới làm thầy của những thế hệ sau. Họ là những KTS, thầy giáo chủ chốt trong các cơ quan, trường học, là những nhà giáo ưu tú, là những KTS sáng tác các tác phẩm tiêu biểu, được Nhà nước tặng những giải thưởng cao quý.

Trong những năm tháng cuộc đời dạy học, cái tâm trong sáng của người thầy đã thể hiện ra ở tinh thần tận tụy đối với công việc, với tấm lòng nhân hậu ở cách sống thanh thản, chỉ nghĩ đến sinh viên, vì sinh viên, ông không ham danh vọng, không đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình.

Năm 2001, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, đợt 1 cho cụm tác phẩm do cố KTS Đoàn Văn Minh thiết kế: Trường đại học Thuỷ lợi và Trụ sở Tổng cục Thống kê ở Hà Nội.

Theo kienviet.net

Banner Content

0 Comments

Leave a Comment