Quy ước và Điều lệ Đoàn Tộc Việt Nam

HỘI ĐỒNG ĐOÀN TỘC VIỆT NAM                                                                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                                                                                                       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————-

QUY ƯỚC

HỌ ĐOÀN VIỆT NAM

—————–

(BẢN SƠ THẢO THÁNG 6 – 2019)

PHẦN MỞ ĐẦU

Việt Nam là nước đa dân tộc, đa tôn giáo với nền tảng văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc và phong phú. Văn hoá cố kết dòng họ, làng xã Việt Nam đã hình thành từ xa xưa, là nét truyền thống vô cùng quý báu đang được nhân dân phát huy trong thời đại mới. Cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam cùng với hơn một ngàn dòng họ khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và các nước trên thế giới đều là con dân của Tổ quốc Việt Nam, đã và đang đoàn kết chung sức xây dựng quê hương, đất nước, dòng họ ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Trong những năm qua, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế và phát huy nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Trong khung cảnh đó, để kết nối và quy tụ nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam đoàn kết, phát triển bền vững, thịnh vượng, Ban liên lạc Họ Đoàn toàn quốc, các Ban liên lạc Họ Đoàn tỉnh, thành phố, các họ và chi họ được thành lập và tổ chức hoạt động tích cực, hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Hội Đồng Đoàn Tộc Việt Nam các cấp đã củng cố, hoàn thiện về tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động theo chủ trương đã đề ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc soạn thảo và ban hành quy ước, quy chế về tổ chức và hoạt động của đơn vị mình để làm cơ sở thực hiện việc quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, cộng đồng họ Đoàn Việt Nam chưa có được bộ phả sử của dòng họ, chưa có bản báo cáo tổng hợp thực trạng của cộng đồng qua khảo sát, điều tra xã hội học. Đại bộ phận thông tin về lịch sử dòng họ, về tộc quy đều qua truyền khẩu hoặc qua một số ít trang sách trong các bộ sách lịch sử quốc gia (chính sử) liên quan đến một số danh nhân họ Đoàn. Vì vậy, công việc xây dựng bộ phả sử, cũng như quy ước của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam chúng ta hôm nay gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Riêng trong việc xây dựng quy ước chung cho việc tổ chức và hoạt động của cộng đồng phải vượt qua các trở ngại về quan niệm, nhận thức khác nhau. Sự khác nhau ấy xuất phát từ các chi họ đang quản trị các hoạt động của mình ở cơ sơ. Ở địa phương này, tộc quy của họ, theo trật tự truyền thống gia phong, trưởng họ thuộc về hệ trưởng, cha truyền con nối, chỉ thay đổi khi hệ trưởng không còn người (đàn ông) nào nữa. Ở địa phương kia thì trật tự ấy đã được cải đổi, trưởng họ được cử luân phiên theo nhiệm kỳ, sau phiên nhánh nhất, đến nhánh nhì, nhánh ba…, hết một vòng thì trở lại nhất, nhì ba. Về quy ước của họ, họ này duy trì lời di huấn, răn dạy của tổ tiên: “Con trai con gái họ Đoàn không kết thành chồng vợ”, họ kia, quy ước về điều di huấn này không còn tồn tại. Họ khác thì ghi vào quy ước nhưng có sửa đổi:“Con trai con gái trong cùng chi họ Đoàn với nhau không được kết thành vợ chồng, nhưng ngoài chi họ thì được kết thành vợ chồng”; chi họ khác lại ghi vào quy ước ba điều: – “Con trai và con gái cùng họ Đoàn không kết thành chồng – vợ”; -“ Người mang họ Đoàn gặp nhau trong không gian, thời gian hoàn cảnh nào cũng xem nhau như người một nhà, ứng xử với nhau bằng tình nghĩa anh em ruột thịt”; – “Người họ Đoàn trọng nghĩa khí, cương trực, tôn sư trọng đạo, không lừa thầy phản bạn”.

Ngoài ra, do “mỗi nhà mỗi cảnh”, việc tổ chức sinh hoạt họ từ nghi thức tế tự, đến quản lý từ đường, tộc phổ, lăng mộ đến quan hệ ứng xử, thu chi quỹ họ v.v. mỗi nơi làm theo một cách, không chi họ nào giống chi họ nào.

Từ những đặc điểm, thuận lợi khó khăn nêu trên, Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2020, kế thừa bản quy ước của nhiệm kỳ trước, soạn thảo quy ước mới về tổ chức và hoạt động của Họ Đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới. Bản thảo quy ước được đưa ra lấy ý kiến rộng rài tại các cuộc tọa đàm ở Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Sau khi tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa bản thảo, trình hội nghị Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam ngày tháng năm 2019 tại Đền thờ Tổ họ xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thảo luận, xem xét và chính thức thông qua.

Đây là Quy ước chung của cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam được phổ biến và áp dụng một cách hiệu lực trong toàn cộng đồng, yêu cầu các thành viên Họ Đoàn Việt Nam cần nắm vững và thực hiện. Đồng thời Quy ước là cơ sở để các Hội đồng Đoàn tộc, các chi họ Đoàn trong nước và các Ban liên lạc Họ Đoàn ở nước ngoài xây dựng củng cố tổ chức, đề ra quy ước, quy chế, quy định của riêng mình.

Cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam hãy hoan hỷ tiếp nhận và thực hiện quy ước này.

CHƯƠNG I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam

Cộng đồng họ Đoàn Việt Nam là người Việt Nam mang Họ Đoàn, những người không mang Họ Đoàn nhưng có nguồn gốc Họ Đoàn, vợ, chồng, cháu ngoại của người mang Họ Đoàn, người có nguồn gốc Họ Đoàn hiện sinh sống ở trong nước và ở nước ngoài.

Điều 2. Tôn chỉ

Xây dựng cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam thành một khối thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động, trên nền lịch sử truyền thống, bản sắc, cốt cách của người Họ Đoàn hướng tới mục tiêu chung xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Tôn trọng pháp luật, tôn trọng di huấn của dòng họ.

Không hoạt động chính trị, không hoạt động kinh doanh.

Điều 3. Nguyên tắc chung

Mọi hoạt động của cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam phải tuân thủ và chấp hành đúng các quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam và nước sở tại. Nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động của cộng đồng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết nội bộ; truyền bá, tư tưởng cực đoan, thù hận, mê tín, dị đoan tà đạo…

Tôn trọng và chấp hành quy ước, di huấn, nghị quyết, quyết định của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

Điều 4. Phương châm

Lấy ba diều di huấn của Tổ tiên làm phương châm ứng xử trong cộng đồng:

– “Con trai và con gái cùng họ Đoàn không kết thành chồng – vợ”;

– “Người họ Đoàn gặp nhau trong không gian, thời gian hoàn cảnh nào cũng xem nhau như người một nhà, ứng xử với nhau bằng tình nghĩa anh em ruột thịt”;

– “Người họ Đoàn trọng nghĩa khí, cương trực, tôn sư trọng đạo, không lừa thầy phản bạn”.

(Ngoại lệ: Đối các chi họ Đoàn, từ trước đến nay không được tổ tiên truyền lại điều di huấn “Con trai và con gái cùng họ Đoàn không kết thành chồng – vợ”, nay muốn thừa nhận thì phục hồi đưa vào quy ước, nếu vì lý do khách quan mà tiếp tục không thừa nhận thì không bắt buộc phải thừa nhận)

Điều 5. Phương thức hoạt động

1. Điều hòa phối hợp, hiệp thương đồng thuận.

2. Khi cần thiết áp dụng thể thức đa số phục tùng thiểu số, thông qua bầu phiếu kín.

3. Vặn động thuyết phục là chính; chỉ thị, mênh lệnh là phụ.

Điều 6. Mục tiêu, nhiệm vụ của cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam

1. Mục tiêu: Quy tụ và phát triển.

2. Nhiệm vụ: Tri ân, phụng thờ tổ tiên; bảo tồn và phát huy truyền thống; bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử gắn với danh nhân dòng họ; tôn trọng tri thức và người có công, người cao tuổi; kết nối, giao lưu; khuyến học, khuyến tài, khuyến đức; chăm lo xây dựng, củng cố hoàn thiện tổ chức; bảo vệ và trợ giúp thành viên; giúp đỡ xây dựng củng cố gia đình, chi họ, dòng họ đoàn kết, đồng thuận, khá giả, tiến bộ.

Điều 7. Cụ Tổ, Đền thờ tổ, Ngày giỗ tổ, Ngày lễ hội truyền thống, Cờ, Biểu tượng, Khuôn dấu của Họ Đoàn Việt Nam

1. Tôn vinh Ngài Cao tổ Đoàn Văn Khâm là Cụ Tổ của Họ Đoàn Việt Nam.

2. Đền thờ Tổ họ Đoàn Việt Nam trong khuôn viên cụm di tích Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng – Khu Mả Vua, Đống Rùa xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đền thờ tổ là nơi thờ phụng và chiêm bái Cụ Tổ cùng liệt vị tiên tổ Họ Đoàn, đồng thời là nơi làm việc của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam, nơi giao lưu, gặp gỡ chung của cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam. Nhà thờ tổ là tài sản chung thuộc sơ hữu của cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam

3. Ngày giỗ Tổ là ngày mồng Tám tháng Giêng âm lịch; ngày lễ hội truyền thống là ngày Mười sáu tháng Ba âm lịch – Ngày tế lễ Đức ngài Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Lễ giỗ và lễ hội tổ chức tại Đền thờ tổ.

4. Cờ Họ Đoàn Việt Nam là cờ lễ hình vuông mỗi cạnh 313 centimet, tâm cờ mầu đỏ có thêu một chữ Đoàn “” lớn bằng chữ Nho màu vàng, tiếp sau là các vành mầu vàng, màu xanh lá, màu trắng, vành ngoài màu xanh lam, diềm cờ màu đỏ hình ngọn lửa, chỉ treo cờ trong dịp tết Nguyên đán và dịp tế lễ, hội họp, treo bên cạnh cờ Tổ quốc.

5. Biểu tượng Họ Đoàn Việt Nam gồm hình vuông màu vàng đặt trong hình tròn màu đỏ trang trí hình trống đồng, trung tâm là chữ“”(chữ nho) màu đỏ ,vành ngoài bên trên là dòng chữ màu vàng “TOÀN HỌ ĐỒNG TÂM – PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG – ĐOÀN KẾT VỮNG BỀN”, bên dưới là dòng chữ màu vàng “ HỌ ĐOÀN VIỆT NAM”.

6. Khuôn dấu Họ Đoàn Việt Nam…

CHƯƠNG HAI

CHỦ THỂ CỦA CỘNG ĐỒNG HỌ ĐOÀN VIỆT NAM

(Viết tắt là Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam)

Điều 8. Thành viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam

1. Thành viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam là người trong cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam thừa nhận và chấp hành Quy ước Họ Đoàn Việt Nam, đóng phí thành viên và các khoản đóng góp theo quy định của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

Thành viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam gồm hai thành phần: Thành viên tập thể, là các tổ chức đại diện cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam ở địa phương tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, thành phố thuộc tinh, xã, phường, thị trấn. Thành viên cá nhân là những người trực tiếp liên hệ, hợp tác, làm việc với Ban Thường trực Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

Thành viên tập thẻ và thành viên cá nhân được Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam công nhận theo thủ tục quy định.

2. Thành viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia các hoạt động của cộng đồng, được thông tin những việc, vấn đề có liên quan mà mình quan tâm. Tự ứng cử, đề cử người đại diện tham gia làm thành viên các cơ quan, tổ chức trực thuộc Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam. Thành viên cao tuổi được mừng thọ; cưới hỏi được chúc phúc; thành viên đau ốm, gặp hoạn nạn được thăm hỏi; từ trần được phúng viếng, giúp việc hậu sự. Người có công lao, có thành tích cao được khen thưởng. Người yếu thế, khó khăn được trợ giúp. Ttập thể có công, có thành tích được khen thưởng. Thành viên có quyền khiếu nại và được giải quyết khiếu nại bằng quyết định của Hội đồng Đoàn tộc các cấp về những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và uy tín cá nhân, gia đình mình…

3. Thành viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia các công việc của Hội đồng các cấp, bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và các cá nhân thành viên Hội đồng Đoàn Việt Nam các câp; thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp, thông tin kịp thời những việc có liên quan đến cá nhân, gia đình mình hoặc mình biết với Tộc trưởng, Hội đồng gia tộc, Hội đồng Đoàn tộc các cấp.

4. Thành viên là Tộc trưởng, Chủ tịch hội đồng gia tộc, Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc các cấp, Trưởng ban liên lạc họ Đoàn ở các nước là người đứng đầu, phải luôn đề cao trách nhiệm, thường xuyên trau dồi đạo đức, tác phong, phong cách thật sự chuẩn mực, đổi mới lề lối làm việc, giao tiếp. Nâng cao năng lực, kỹ năng chấp pháp, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt hoạt động của cộng đồng họ; gương mẫu tổ chức thực hiện nghị quyết, quy ước, quy chế và chương trình nhiệm vụ được thông qua. Chủ trì thực hiện đầy đủ chu đáo việc đối nội, đối ngoại.

Điều 9. Hệ thống tổ chức Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam

Hệ thống tổ chức gồm bốn cấp và Ban Liên lạc Họ Doàn Việt Nam ở nước ngoài.

– Cấp trung ương tên gọi là Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam

– Cấp tỉnh tên gọi là Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam tỉnh, thành phố…

– Cấp huyện tên gọi là Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam huyện, thị xã, thành phố…

– Cấp xã tên gọi là Hội đồng gia tộc họ Đoàn… xã, phường, thị trấn…

– Ban Liên lạc Họ Đoàn Việt Nam ở nước…

10. Đại hội đại biểu cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam

Đại hội đại biểu cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam là cơ quan cao nhất đại diện cho cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam. Đại hội tổ chức định kỳ 5 năm một lần và đại hội bất thường theo đề nghị của ¾ ủy viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam. Đại biểu dự đại hội gồm: Các ủy viên Hội đồng Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam đương nhiệm, các đại biểu do Đại hội Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam cấp tỉnh bầu và đại biểu do các Ban Liên lạc người Họ Đoàn Việt Nam ở nước ngoài cử theo số lượng do Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam phân bổ và các cá nhân tiêu biểu do Hội đồng Đoàn Tộc Việt Nam chọn lựa và mời. Số lượng, thành phần đại biểu dự Đại hội do Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam quyết định. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam do đại hồi bầu ra là cơ quan triệu tập, tổ chức và điều hành đại hội.

Nhiệm vụ của Đại hội đại biểu cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam:

1. Thảo luận thông qua các văn kiện trình đại hội (dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới; đề án về tổ chức và nhân sự của Hội đồng Đoàn tộc nhiệm kỳ mới; quy ước, quy chế; nghị quyết đại hội…).

2. Hiệp thương cử Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

3. Tuyên dương, khen thưởng.

Điều 11. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam

1. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam là cơ quan đại diện cho cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam giữa hai kỳ đại hội.

2. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam có Chủ tịch, Ban Thường trực và các ban chuyên trách giúp việc. Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam do Đại hội đại biểu cộng đồng họ Đoàn Việt Nam hiệp thương cử hoặc bầu. Ban Thường trực gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên do Chủ tịch trình và Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam hiệp thương cử hoặc bầu.

3. Trụ sở – văn phòng làm việc của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam là Đền thờ tổ Họ Đoàn Việt Nam và các văn phòng đại diện tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 12. Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh)

1. Hội đồng đoàn tộc cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam tại địa phương. Thay mặt cộng đồng tổ chức đại hội đại biểu theo nhiệm kỳ ba hoặc 5 năm. Nội dung, nhiệm vụ của đại hội theo mô hình của cấp trung ương.

2. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam cấp tỉnh có Chủ tịch, Ban Thường trực và bộ máy giúp việc. Nơi làm việc chính do Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

3. Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh là cơ quan tổ chức đại hội đại biều cộng đồng họ Đoàn Việt Nam trên địa bàn tỉnh, thành phố. Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh là đại biều đương nhiên của Đại hội cấp mình. Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh là Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam. Ban Thường trực và bộ máy giúp việc do Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh giới thiệu và Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh hiệp thương cử hoặc bầu.

4. Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện là cơ quan tổ chức đại hội đại biều cộng đồng họ Đoàn Việt Nam trên địa bàn. Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện là đại biều đương nhiên của Đại hội cấp mình. Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện là Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh. Ban Thường trực và bộ máy giúp việc do Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện giới thiệu và Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện hiệp thương cử hoặc bầu.

5. Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam quyết định công nhận kết quả bầu cử Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 13. Ban liên lạc Họ Đoàn Việt Nam ở nước ngoài

Ban liên lạc Họ Đoàn Việt Nam nước ngoài do cộng đồng người Họ Đoàn Việt Nam sinh sống ở nước đó thành lập. Ban liên lạc có Trưởng ban và các Phó trưởng ban và các bộ phận giúp việc. Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn nước nào do Đại hội đại biểu cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam sinh sống ở nước đó hiệp thương cử hoặc bầu.Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn ở nước ngoài là Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn nước ngoài cử đại biểu dự Đại hội đại biểu cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam theo quyết định triệu tập của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

Điều 14. Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng

1. Hội đồng gia tộc là cơ quan đại diện cho một cộng đồng người cùng sinh hoạt trong một họ (chi họ) ở thôn, làng, xã hoặc tương đương. Hội đồng gia tộc do đại hội đại biểu (đối với những chi họ có nhân khẩu từ 300 người trưởng thành từ 18 tuổi trơ lên) hoặc hội nghị toàn thể người trưởng thành trong chi họ hiệp thương cử hoặc bầu ra. Hội đồng gia tộc có từ 5 đến 9 thành viên, có chủ tịch các phó chủ tịch, ủy viên thư ký và các ủy viên. Chủ tịch hội đồng gia tộc có thể là Tộc trưởng đương nhiệm hoặc cựu Tộc trưởng. Nhiệm kỳ của Hội đồng gia tộc là 3 năm.

2. Tùy theo tập quán, truyền thống của từng chi họ Tộc trưởng không bầu mà kế nhiệm “cha truyền con nối” của hệ trưởng (đích tôn) hoặc Tộc trưởng do Hội đồng gia tộc cử theo nhiệm kỳ 2 hoặc 3 năm.

3. Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng là Uỷ viên Hội đồng Đoàn tộc cấp tỉnh và cấp huyện (nếu có). Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng là đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Cộng đồng Họ Đoàn cấp tỉnh. Nếu còn chỉ tiêu phân bổ đại biểu thì trình Hội đồng gia tộc cử thêm đại biểu và thành lập Đoàn đại biểu của gia tộc dự đại hội do cấp trên triệu tâp.

CHƯƠNG BA

HOẠT ĐỘNG CỦA CỘNG ĐỒNG ĐOÀN TỘC VIỆT NAM

Điều 15. Các nội dung hoạt động chính

1. Xây dựng củng cố đền thờ, từ đường, gia từ, nơi phụng thờ tổ tiên và các di tích lịch sử khang trang, tôn nghiêm. Thực hiện đầy đủ nghi lễ giỗ tổ, tế, lễ, tri ân công đức tổ tiên theo phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Các họ, chi họ, gia đình thực hiện việc tri ân tổ tiên theo phong tục tập quán địa phương hoặc theo nghi lễ tôn giáo mình tham gia.

2. Quy tập, tìm kiếm, xây dựng, tôn tạo phần mộ. Phục dựng, làm mới văn bia, tượng, biểu trưng, gìn giữ các tài liệu văn bản cổ của họ, của gia đình mình.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương trùng tu, quản lý, phatshuy giá trị các di tích lịch sử danh nhân họ Đoàn ở tỉnh, huyện, xã.

4. Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam xây dựng phần mềm viết gia phả, tộc phả cấp cho các họ, chi họ và hoàn thiện, số hoá cuốn lịch sử Họ Đoàn Việt Nam và gia phả, tộc phả của các họ, chi họ. Họ, chi họ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung gia phả, tộc phả của họ, chi họ mình sao gửi bản mềm về Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

5. Xây dựng quản lý quỹ hoạt động đáp ứng nhu cầu.

6. Mọi hoạt động việc họ phải thực sự, thực tế, phù hợp, tiết kiệm, an toàn mọi mặt, không phô trương lãng phí.

Điều 16. Các hoạt động nghĩa tình

1. Chúc thọ

a. Thành viên cộng đồng Đoàn tộc Việt Nam đến tuổi 90, 95, 100, 105…theo tuổi mụ được Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam chúc thọ tặng quà tại Nhà thờ tổ vào ngày giỗ tổ hoặc gửi thư, gửi quà mừng thọ.

b. Thành viên tuổi 70, 75, 80, 85 do Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố, Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn Việt Nam ở các nước và Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng tổ chức chúc thọ;

2. Vinh danh

Thành viên có thành tích xuất sắc trong học tập, tu dưỡng, lập nghiệp được ghi sổ vàng Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam các cấp; Thành viên được Nhà nước trao học hàm, học vị, phong tặng danh hiệu cao quý, bổ nhiệm cấp hàm cao cấp được Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam trao Bằng vinh danh; thành viên có công lao, đóng góp to lớn đối với đất nước, dòng họ có thể được khắc bia ghi công.

3. Từ thiện

Thành viên hoặc người trong gia đình thành viên gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, khi yếu thế cần giúp đỡ, cứu trợ thì Tộc trưởng, Chủ tịch Hội đồng gia tộc nơi thành viên cư trú thực hiện việc thăm hỏi, trợ giúp. Cần thiết đề nghị Hội đồng Đoàn tộc cấp trên trợ giúp.

Điều 15. Gia đình, hôn nhân

1. Giáo dục, động viên các thành viên thực hiện ba điều di huân được ghi trong phương châm ứng xử của dòng Họ Đoàn.

2. Các thành viên trong gia đình Họ Đoàn có trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cháu; không phân biệt đối xử giữa các con.

3.Thành viên Họ Đoàn Việt Nam đến tuổi trưởng thành đều có quyền chọn lựa người yêu phù hợp với mình. Việc kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng phải tuân thủ quy định của pháp luật Nhà nước và quy ước của dòng họ. Cân nhắc kỹ khi việc quan hệ yêu đương, kết hôn vi phạm các quy định có liên quan của ngành, lĩnh vực mình công tác hoặc quy định riêng của gia tộc. Thành viên Họ Đoàn Việt Nam không được chia rẽ, cấm đoán việc kết hôn khi việc kết hôn không trái pháp luật và không trái với di huấn của tổ tiên.

Điều 16. Tang sự

1. Thành viên Họ Đoàn Việt Nam từ trần thì Tộc trưởng, Chủ tịch Hội đồng gia tộc nơi thành viên cư trú thực hiện thăm hỏi, phúng viếng và giúp đỡ việc hậu sự. Thành viên Họ Đoàn Việt Nam ở nước ngoài từ trần thì Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn sở tai thực hiện thăm hỏi, phúng viếng và giúp việc hậu sự.

2. Thành viên là Tộc trưởng hoặc là Chủ tịch Hội đồng gia tộc, ủy viên Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện, cấp tỉnh từ trần thì Hội đồng Đoàn tộc huyện, tỉnh tổ chức thăm hỏi, trợ giúp, phúng viếng,

3. Thành viên là Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện, cấp tỉnh từ trần thì Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam tổ chức thăm hỏi, trợ giúp, phúng viếng đồng thời thông báo cho Hội đồng Đoàn tộc sở tại và địa phương lân cận trong khu vực lân cận biết;

4. Thành viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam từ trần thì Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam tổ chức thăm hỏi, trợ giúp, phúng viếng đồng thời thông báo cho Hội đồng Đoàn tộc các tỉnh, thành phố biết;

5. Thành viên là Trưởng ban liên lạc họ Đoàn ở nước ngoài từ trần, việc hiếu do Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam quyết định.

Điều 17. Giao lưu, kết nối

1. Hội đồng Đoàn tộc các cấp tổ chức đại hội, lễ hội, sự kiện… mời đại diện Hội đồng Đoàn tộc cấp trên và các địa phương lân cận đến dự.

2. Tiếp đón, giao lưu thân mật các đoàn đại diện Hội đồng Đoàn tộc các cấp đến thăm, giao lưu kết nối gia phả, trao đổi kinh nghiệm.

3. Quan hệ đối ngoại. Tộc trưởng, Chủ tịch hội đồng gia tộc, Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc các cấp thực hiện giao lưu với các dòng họ khác, với chính quyền địa phương nơi cư trú, nơi làm việc, Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn ở nước ngoài chủ động giao lưu với cộng đồng dân cư nước sở tại, quan tâm giao lưu, kết nối với người nước ngoài mang Họ Đoàn.

Điều 18. Quan hệ với chính quyền

Hội đồng Đoàn tộc các cấp xây dựng mối quan hệ gần gũi, chặt chẽ với chính quyền sở tại trong quá trình quản lý đơn vị và tổ chức hoạt động.

Điều 19. Xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy

Nội dung văn kiện các kỳ đại hội được phổ biến rộng rãi trong nội bộ; quản lý và lưu trữ kỷ lưỡng không để thất thoát, định kỳ kiểm tra việc thực hiện. Gửi báo cáo kết quả hoạt động định kỷ 6 tháng và một năm của Hội đồng cấp dưới lên cấp trên, đồng thời tiếp nhận và phố biến các văn bản do cấp trên gửi xuống.

Hội đồng Đoàn tộc các cấp, Ban liên lạc Họ Đoàn ở các nước, Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng chăm lo quản lý, giáo dục, phát triển thành viên, chủ động kiện toàn tổ chức, bộ máy làm việc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng quy định của pháp luật, đúng quy ước, quy chế.

Nghiên cứu xây dựng bổ sung, sửa đổi quy ước, quy chế, quy định về tổ chức, hoạt động của cấp mình để thực hiện và gửi các văn bản lên cấp trên.

Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố vận động tạo sự đồng thuận, tập trung đầu tư xây dựng nơi thờ tự ở địa bàn thích hợp làm nơi thờ phụng tổ tiên và chốn đi về của con cháu và cũng là nơi làm việc của Hội đồng.

Điều 19. Kinh phí – Quỹ họ

1. Kinh phí hoạt động thường xuyên của Hội đồng Đoàn tộc do mỗi cấp chủ động xây dựng kế hoạch huy động, quản lý thu chi. Gọi là quỹ họ. Quỹ họ ở mỗi cấp huy động từ các nguồn:

a. Từ sự đóng góp theo định mức hàng năm của mỗi thành viên (hộ gia đình hoặc cá nhân) đối với Hội đồng gia tộc, Đối với Hội đồng Đoàn tộc cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương hàng năm ban hành định mức để huy động từ các thành viên là cá nhân trong Hội đồng và các thành viên tập thể là Hội động Đoàn tộc cấp dưới trực thuộc.

b. Từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong đơn vị,

c. Từ sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân ngoài đơn vị,

d. Từ các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Kinh phí xây dựng công trình. Chỉ tổ chức huy động khi Hội đồng Đoàn tộc đã thống nhất chủ trương, hoàn chỉnh kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện. Quỹ xây dựng công trình được hạch toán độc lập. Quyết toán rõ ràng minh bạch khi công trình hoàn thành.

3. Kinh phí hoạt động khuyến học, khuyến tài. Hội đoàn Đoàn tộc mỗi cấp thông qua chủ trương và đề án cụ thể về quỹ khuyến học, khuyến tài của đơn vị. Quỹ khuyến học khuyến tài hạch toán độc lập. Quyết toán hàng năm công khai, minh bạch.

4. Kinh phí khác, do Hội đồng mỗi cấp thống nhất chủ trương, lập kế hoạch triển khai.

Tổ chức quản lý kinh phí theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục tài chánh, kế toán của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ tránh thất thoát, lãng phí. Hội đồng Đoàn tộc mỗi cấp ban hành quy chế thu chi quỹ họ để tổ chức thực hiện. Báo cáo quyết toán hàng năm và nhiệm kỳ đại hội.

Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng họ là chủ tài khoản. Kế toán, thủ quỹ, thanh tra quỹ do Hội đồng Đoàn tộc mỗi cấp cử hoặc bầu.

Phí thành viên Họ Đoàn Việt Nam là … VNĐ/năm, đóng vào quý I hàng năm. Miễn, giảm cho thành viên khó khăn; thành viên có điều kiện nộp phí nhưng 03 năm liền không nộp sẽ không được mời tham gia các hoạt động của họ cho đến khi nộp lại. 85 % số tiền thu được do Hội đồng gia tộc, Tộc trưởng quản lý, sử dụng, 15% chuyển cho Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố; Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố, Ban liên lạc Họ Đoàn ở nước ngoài chuyển 30% số tiền phí nhận được cho Thường trực Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

5. Quỹ họ phải được quản lý cẩn thận, thu chi hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Việc quản lý, thu chi quỹ họ, tài sản của họ chịu sự kiểm tra, giám sát của tập thể Hội đồng. Mọi thành viên nộp quỹ được cấp biên nhậ và có quyền kiểm tra sổ ghi thu chi quỹ họ.

6. Nghiêm cấm lợi dụng lập quỹ để lạm thu, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, rửa tiền, tiếp nhận tiền của các tổ chức, cá nhân nhằm khủng bố, chống phá Nhà nước Việt Nam hoặc nước sở tại.

Điều 20. Khen thưởng,

1. Tiêu chuẩn xét khen thưởng: Tập thể, cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong hoạt động xây dựng dòng tộc; tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Đoàn tộc; những người có thành tích đặc biệt xuất sắc được Nhà nước tuyên dương, khen thưởng trong các lĩnh vực. Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc các cấp là Chủ tịch Hội đồng khen thưởng và xử lý vi phạm

2. Hình thức khen thưởng: Bằng hoặc giấy khen, tuyên dương, ghi tên vào sổ vàng truyền thống; tặng Bằng vinh danh, Kỷ niệm chương của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam; được khắc tên vào bia đặt trong khuôn viên Đền thờ Tổ họ Đoàn Việt Nam.

Điều 21. Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại

1. Những biểu hiện vi phạm: Vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong quy ước, quy chế của Hội đồng Đoàn tộc; có việc làm trái với luân thường, đạo lý; lợi dụng, chiếm dụng tài sản, quỹ họ vì mục đích cá nhân; thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản, quỹ họ gây thất thoát, lãng phí; làm ảnh hưởng tới uy tín của dòng họ; có hành động và phát ngôn cực đoan, thiếu văn hóa, tuyên truyền gây chia rẽ, hoài nghi làm mất đoàn kết nội bộ, mất uy tín của cá nhân, tổ chức trong dòng tộc. Đối với thành viên, nếu vi phạm pháp luật hình sự thì cá nhân vi phạm tự chịu trách nhiệm.

2. Hình thức xử lý vi phạm: Tộc trưởng, Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc các cấp trực tiếp nhắc nhở, góp ý. Nếu tái phạm sẽ thông báo công khai trong họ; miễn nhiệm các chức danh trong Hội đồng Đoàn tộc; tước quyền thành viên Họ Đoàn Việt Nam.

3. Tiếp nhận và giải quyết vi phạm: Tộc trưởng, Chủ tịch hội đồng gia tộc, Trưởng ban liên lạc Họ Đoàn ở nước ngoài nơi thành viên đăng ký phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm và quyết định áp dụng biện pháp, hình thức xử lý vi phạm.

4. Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố hoặc Phó chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam (nơi không tổ chức cấp Hội đồng Đoàn tộc tỉnh, thành phố) giải quyết khiếu nại quyết định xử lý. Nếu tiếp tục khiếu nại, quyết định xử lý của Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam là quyết định cuối cùng.

CHƯƠNG BỐN

HIỆU LỰC THI HÀNH, TU CHỈNH QUY ƯỚC

Điều 22. Hiệu lực thi hành, tu chỉnh quy ước

Đây là quy ước tạm thời, sẽ trình tại đại hội đại biểu cộng đồng toàn quốc (gần nhất) thông qua sẽ trở thành quy ước chính thức. Quy ước này có hiệu lực tạm thời từ khi Chủ tịch hội đồng Đoàn tộc Việt Nam ký quyết định ban hành. Hội đồng Đoàn tộc các cấp có trách nhiệm phổ biến đến các thành viên trong toàn thể công đồng Họ Đoàn Việt Nam và tổ chức thực hiện quy ước. Việc bổ sung, tu chỉnh quy ước này do Đại hội đại biểu cộng đồng Họ Đoàn Việt Nam quyết định./.

                                                                                                                             Hà Nội, ngày tháng năm 2019

                                                                                                                        HỘI ĐỒNG ĐOÀN TỘC VIỆT NAM

                                                                                                                                             CHỦ TỊCH

                                                                                                                                         Đoàn Xuân Tiếp

Nơi nhận:

– Các thành viên trong Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam;

– Hội đồng Đoàn tộc các tỉnh…

– Hội đồng Đoàn tộc các thành phố…

– Văn phòng Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.

 

Nguồn website www.doantoc.vn

Banner Content

0 Comments

Leave a Comment